May 22, 2018

Thực đơn ăn uống đủ chất cho rùa Núi vàng size baby đến trưởng thành

Thực đơn ăn uống hợp lý và đủ chất cho rùa Núi vàng từ nhỏ cho tới lớn


Hầu hết với các bạn lần đầu mới nuôi rùa núi vàng đều có cùng một thắc mắc về vấn đề ăn uống của rùa. Rằng rùa núi vàng ăn được những món gì? Rùa núi vàng thích ăn gì? Cần cho rùa núi vàng ăn uống như thế nào là hợp lý? v.v..

Không nên cho rùa núi vàng ăn những gì?


1. Không cho rùa núi vàng ăn mặn. Những món có muối (như đồ ăn nấu chín): Bé ăn bị xót ruột.
2. Rùa núi vàng hấp thu tinh bột rất kém, nên hạn chế không nên cho bé ăn cơm.
3. Không nên cho rùa núi vàng ăn các loại trái cây có tép như bưởi, cam, quýt.
4. Không cho rùa núi vàng ăn đồ còn lạnh (mới lấy từ tủ lạnh ra).
5. Không cho rùa núi vàng ăn lá lược vàng quá 4 lần/tháng (cho ăn nhẹ, không tính là bữa ăn chính).
6. Không nên cho rùa ăn nhiều rau diếp và cần tây như là bữa ăn chính.
7. Không cho rùa ăn dưa hấu nhiều.
8. Hạn chế cho rùa ăn chuối, 1-2 lần/tuần và không nhiều hơn.

Lưu ý: Rau củ quả cho rùa ăn khuyến khích nên ngâm nước muối để tẩy thuốc trừ sâu và rửa sạch lại sau khi ngâm muối, sau đó, mới cho rùa ăn. Vì chỉ cần một lượng ít thuốc trừ sâu có trên rau củ quả thôi, cũng sẽ dẫn đến tử vong ở rùa. Đó là lý do vì sao có một số người nuôi rùa được thời gian thì rùa bỗng dưng đổ bệnh và chết, đây cũng là một trong những nguyên do.

Rùa núi vàng ăn rau củ quả là chủ yếu. Mà bạn biết rau củ hiện nay phần lớn đều không đảm bảo sạch và bị phun hóa chất, thuốc trừ sâu rất nhiều. Nên nếu bạn không kỹ, về lâu dài rùa bạn nuôi rất dễ chết và không sống thọ.


Rùa núi vàng ăn được những thức ăn gì?


rùa núi vàng

Rùa núi vàng là loại rùa cạn, thức ăn chủ yếu là rau củ quả. Do thiên về ăn chay nên rùa núi vàng khá là hiền lành và không cắn người (trừ trường hợp bạn làm em sao đó mà em quạo là em cắn á nha :D).

Phần lớn ý kiến người nuôi đều cho rằng: Rùa núi vàng thuần ăn chay, nghĩa là chỉ nên cho ăn chay mà không cho ăn mặn. Nhưng thực tế, theo tự nhiên, rùa núi vàng là loài ăn tạp, nghĩa là bé ăn bất cứ thứ gì mà bé tìm thấy mà theo bản năng tự nhiên của rùa núi vàng có thể ăn được. Đó có thể là trái cây, rau củ, lá cây, giun đất, v.v..

Tóm lại: Rùa núi vàng ăn được ▼

Rau
Rau xà lách, cải ngọt, cải xoăn, rau lang, rau muống, cải thìa, v.v..

Củ quả
Cà chua, sắn dây, dưa leo, đậu ve, đậu bắp, cà rốt, bí đỏ, v.v..

Trái cây
Chuối, đu đủ, mít, xoài chín, thanh long, táo, lê, nho, wiki, v.v..

Cây cỏ
Xương rồng, cỏ dại, hoa-lá dâm bụt, v.v..

Nấm
Nấm bào ngư, nấm đùi gà, nấm rơm, v.v..

Thịt
Giun, ốc sên, nang mực, thịt bò băm nhuyễn, tôm, cá, v.v..


Rùa núi vàng thích ăn gì?


Phần lớn rùa núi vàng rất thích ăn cà chua.

Nếu lần đầu cho bé ăn, nếu bạn cho bé ăn cà chua thì rất ít bé từ chối. Vì vậy, cà chua gần như là món ăn huyền thoại thường được nhắc đến khi nói đến thức ăn ưa thích cho rùa núi vàng.

Thứ hai là cà rốt sợi cắt nhuyễn. Bạn cầm phe phẩy trước mặt bé thì khả năng cao là bé sẽ ăn.

Còn lại, tùy theo sở thích của các bé mà các bé sẽ ăn món đó ít hay ăn nhiều. Từ đó, bạn sẽ biết được, bé rùa núi vàng của bạn thích ăn món gì.


Thức ăn nào tốt cho rùa núi vàng?


Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này.

Nhưng nhìn chung, có một số thức ăn được liệt kê bên dưới đây có chất dinh dưỡng tốt và tác động tích cực đến dinh dưỡng cho rùa núi vàng. Tất cả đều được chia sẻ từ kinh nghiệm của những người nuôi rùa núi vàng cho hay:

1. Xương rồng tai thỏ.
2. Nấm tươi.
3. Cải xoăn.
4. Xoài.
5. Đu đủ.
6. Hoa dâm bụt.
7. Cà chua.
8. Cà rốt.
9. Cải thìa.
10. Thức ăn viên của các hãng uy tín như Zoomed, Repcal. Với thức ăn viên này, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, nên gần như trong viên đã có đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho rùa núi vàng (như canxi, vitamin, khoáng chất, v.v..). Trước khi cho rùa núi vàng ăn, bạn ngâm thức ăn viên vào nước cho mềm rồi sau đó hãy cho bé ăn.


Thức ăn phòng, chữa bệnh cho rùa núi vàng


Vì là thức ăn mang tính chữa bệnh và phòng bệnh. Nên bạn không thể xem là thức ăn chính và cho rùa ăn thường xuyên được. Bạn chỉ nên cho bé ăn 1 lần/tuần với bữa ăn nhẹ và không tính là bữa ăn chính. Chỉ nên cho ăn từ 1 đến 4 lá/lần ăn (tùy theo size của bé).

1. Lá lược vàng.
2. Lá giang.
3. Rau húng chanh.


Cho rùa núi vàng ăn liều lượng bao nhiêu trong một lần cho ăn?


rùa núi vàng

Bạn đã biết rùa núi vàng ăn được những thức ăn gì rồi. Nhưng liệu cho bé ăn với liều lượng bao nhiêu trong một lần cho ăn mới hợp lý và đủ, thì với các bạn lần đầu nuôi rùa đều sẽ chung một cảm giác là đều bỡ ngỡ về vấn đề này.

Cách 1: Cho rùa ăn thoải mái trong thời gian quy định từ 20-30 phút. Sau khoảng thời gian này, thức ăn còn thừa bạn phải gom lại và bỏ đi. Cứ cho ăn vài lần như vậy, bạn sẽ xác định được lượng thức ăn tối đa mà bé rùa của bạn có thể ăn được.

Cách 2: Cho rùa ăn thoải mái cho đến khi rùa ngừng lại và không ăn nữa. Phần thức ăn thừa lúc này cần được dọn đi sau khi rùa ngừng ăn.

Lưu ý: Thức ăn thừa sau khi rùa ăn xong phải được dọn đi và bỏ đi. Không để lại thức ăn thừa trong chuồng rùa để tránh rùa ăn quá nhiều, cũng như bị mấy con nhỏ nhỏ bu. Tuyệt đối không cho rùa ăn quá nhiều, điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa của rùa, rùa ăn quá nhiều sẽ không tiêu hóa kịp và thức ăn lên men trong bụng rùa, có thể dẫn đến tử vong.


Cung cấp bữa ăn đủ dinh dưỡng cho rùa núi vàng
(Rùa núi vàng baby và rùa trưởng thành)

Nếu bạn chỉ cho rùa ăn mỗi cà chua hay rau không, thì khả năng bé thiếu chất khá là lớn đấy. Để phát triển đầy đủ và đảm bảo sức đề kháng tốt, rùa núi vàng cần được cung cấp:

Chất xơ (Nhiều) + Canxi + Khoáng chất + Vitamin + Protein (rất ít)

Trong đó:
- Rau, quả, hoa: Chiếm 80-90%.
- Trái cây: Chiếm 10-20%.

Lưu ý: Bạn có thể trộn nhiều loại rau củ quả + trộn cùng thức ăn viên trong một lần ăn cho rùa núi vàng ăn cho đa dạng. Không nhất thiết chỉ cho bé ăn một loại.

1. Rùa núi vàng baby (size 4-10cm)


rùa núi vàng baby

Rùa núi vàng baby cần lượng đạm nhiều hơn rùa trưởng thành. Nên để rùa núi vàng baby phát triển tốt và khỏe mạnh, bạn cần thiết phải cung cấp protein (đạm) cho bé.

Số lần cho ăn: Cách ngày ăn một lần. Cụ thể ▼

Thứ 2:
  • Chất xơ (80%): Cà chua (Hoặc cải xoăn, rau muống, bí đỏ, xà lách, đậu ve, cà rốt, v.v..)
  • Trái cây (20%): Xoài (Hoặc đu đủ, mít, kiwi, v.v..)

Thứ 4:
  • Chất xơ (80%): Rau muống (Hoặc cải xoăn, dưa leo, đậu bắp, cà rốt, v.v..)
  • Trái cây (20%): Bắp (Hoặc đu đủ, xoài, mít, kiwi, nho, v.v..)
  • Protein (ít): Giun đất, ốc sên (Hoặc thịt bò băm nhuyễn, cá, v.v..)

Thứ 6:
  • Chất xơ + khoáng: Nấm tươi như nấm đùi gà (Hoặc nấm bào ngư, nấm rơm, v.v..)
  • Trái cây: Xoài (Hoặc đu đủ, táo, mít, kiwi, sầu riêng, v.v..)
  • Phòng bệnh: Lá lược vàng hoặc rau húng chanh (cho ăn 1-2 lá nhỏ).

Chủ Nhật:
  • Chất xơ: Xương rồng tai thỏ (Hoặc nấm tươi, rau củ quả)
  • Trái cây: Đu đủ (Hoặc ngô, xoài, mít, kiwi, dưa gang, v.v..)
  • Canxi: Cho rùa gặm một nang mực.
[*] Canxi và Vitamin: Bạn có thể bổ sung bằng cách mua ở cửa hàng chuyên bán cho bò sát. Sau đó, bạn rắc vào thức ăn với liều lượng được hướng dẫn trên lọ thuốc cho rùa ăn.

Thứ 2 (lặp lại): Bạn cho ăn như thứ 2 tuần trước, nhưng giảm lượng thức ăn ít lại (cho ăn 1/3), do chủ nhật (hôm qua) mới cho ăn rồi. Như thế để có thực đơn nhất quán, để không phải cho ăn cách ngày lại phải đổi qua 3-5-7, rồi tuần sau lại quay lại 2-4-6 cho mắc công.

Tóm lại: Bạn nhớ trong một tuần có: Một ngày bổ sung canxi, một ngày protein, một ngày phòng bệnh. Trong rau củ quả bạn cho rùa ăn hằng ngày cũng đã có vitamin và các khoáng chất rồi, nhưng chưa đủ nên rùa cần được bổ sung thêm.

[**] Ngoài ra, bạn có thể mua viên thức ăn chuyên dùng cho bò sát và rùa của hãng Zoomed hoặc Repcal để cho rùa ăn xen kẽ. Trong thức ăn viên này đã được cung cấp đủ tất cả các khoáng chất, canxi, chất xơ và vitamin cần thiết cho rùa.

Khuyến khích bạn nên cho ăn xen kẽ với thức ăn tươi (như ngày này ăn tươi, ngày tới ăn viên). Hoặc trộn chung thức ăn viên vào rau củ quả cho rùa ăn.

Nói chung, thực đơn trên chỉ mang tính tham khảo, bạn không nhất thiết phải cho ăn y như thế. Chủ yếu là bạn cần đảm bảo cung cấp đủ chất, để rùa núi vàng baby có thể phát triển đầy đủ và đủ sức đề kháng để khỏe mạnh không bệnh tật.


2. Rùa núi vàng trưởng thành (size 10-30cm)


rùa núi vàng

Rùa trưởng thành sẽ ăn ít hơn rùa con. Về số lần cho ăn, bạn cũng có thể cho rùa núi vàng trưởng thành ăn thưa hơn so với rùa baby. Bạn có thể cho rùa ăn 2-3 lần/tuần. Về độ đạm thì rùa trưởng thành cũng không cần cung cấp nhiều đạm trong khẩu phần ăn như rùa baby.

Số lần cho ăn: 1-3 ngày ăn một lần. Cụ thể ▼

Thứ 2:
  • Chất xơ (80%): Cà chua (Hoặc cải xoăn, súp lơ xanh, bắp cải, xà lách, đậu ve, cà rốt, v.v..)
  • Trái cây (20%): Xoài (Hoặc đu đủ, mít, kiwi, bơ, v.v..)
  • Canxi: Cho rùa gặm một nang mực.
[*] Canxi và Vitamin: Bạn có thể bổ sung bằng cách mua ở cửa hàng chuyên bán cho bò sát. Sau đó, bạn rắc vào thức ăn với liều lượng được hướng dẫn trên lọ thuốc cho rùa ăn.


Thứ 4:
  • Chất xơ (80%): Rau muống (Hoặc cải xoăn, dưa leo, đậu bắp, cà rốt, v.v..)
  • Trái cây (20%): Bắp (Hoặc đu đủ, xoài, mít, kiwi, nho, v.v..)
  • Protein (ít): Giun đất, ốc sên (Hoặc thịt bò băm nhuyễn, cá, v.v..)

Thứ 6:
  • Xương rồng tai thỏ (Hoặc nấm tươi)
  • Trái cây: Xoài (Hoặc đu đủ, táo, mít, kiwi, v.v..)
  • Phòng bệnh: Lá lược vàng hoặc rau húng chanh.

Thực đơn trên chỉ mang tính tham khảo, bạn không nhất thiết phải cho ăn y như thế. Chủ yếu là bạn cần đảm bảo cung cấp đủ Canxi + Khoáng + Vitamin cần thiết cho rùa núi vàng để bé phát triển khỏe mạnh. Bạn cũng có thể cho ăn xen kẽ với thức ăn viên dành riêng cho rùa.

Bản quyền bài viết thuộc về/ CTG blog
DMCA.com Protection Status



BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

0 blogger: