July 31, 2017

Hướng dẫn tự chích thuốc cho chó mèo tại nhà

Hướng dẫn tự tiêm chích cho chó mèo tại nhà


Không phải cứ phải là bác sỹ thú y thì mới có thể chích thuốc được cho chó mèo. Có rất nhiều lý do để chủ nuôi chọn tự tiêm chích cho chó mèo tại nhà, ví dụ như giới hạn về địa lý, về kinh tế, v.v.. Nếu bạn nắm rõ cách tiêm chích cho chó mèo, dạn tay và tự tin tiêm thì không có vấn đề gì nếu chỉ tiêm các thuốc đơn giản khi chó mèo bị bệnh nhẹ, hoặc trong trường hợp khẩn cấp mà chó mèo cần phải được tiêm thuốc ngay.

Lần đầu tự tiêm chích cho chó mèo chắc chắn bạn sẽ hơi run và lo sợ rất nhiều. Không biết tự chích thế có sao không? Sợ chó mèo giãy gãy kim thì sao? Hay chợt tay xịt thuốc ra ngoài, v.v..


Điều kiện đảm bảo an toàn khi tự tiêm chích chó mèo tại nhà


Bạn cần biết:

1. Cách cầm kim tiêm.
2. Lựa chọn kim tiêm phù hợp với cân nặng chó mèo và liều lượng thuốc chích.
3. Có bao nhiêu đường tiêm trên chó mèo.
4. Đọc hiểu các ký hiệu quy định đường tiêm ghi trên lọ/ống/chai thuốc.
5. Kỹ thuật tiêm chích trên chó mèo thế nào là đúng.
6. Cách ôm giữ chó mèo đúng cách để hạn chế chó mèo giãy.
7. Tiêm dứt khoát, không run tay, không tiêm một chỗ nhiều lần.
8. Sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh với liều lượng hợp lý.
9. Không tự ý điều trị tiêm chích cho chó mèo với các bài thuốc hướng dẫn trên mạng cũng như truyền miệng nếu không hiểu rõ về thuốc + kiến thức chuyên môn.



Tự tiêm chích chó mèo tại nhà trong trường hợp nào?


1. Tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh, ngừa dại định kỳ hằng năm cho chó mèo khi đã biết cách tiêm.
2. Trường hợp khẩn cấp cần phải chích thuốc cho chó mèo ngay nếu nhà chủ nuôi quá xa trạm xá thú y, hoặc không có đủ thời gian chở chó mèo đang nguy hiểm đến trạm thú y gần nhất. Ví dụ như trường hợp phát hiện chó dính bả, hay ăn nhầm thuốc, cần chích thuốc giải độc ngay sớm nhất có thể. Nhà bạn quá xa trạm thú y + thuốc này có thể mua được ở tiệm thuốc tây và dùng được trên chó, thì việc mua thuốc ở tiệm thuốc tây sẽ dễ hơn, gần hơn và tiết kiệm thời gian hơn. Sau sơ cứu ấy việc chở chó mèo đến trạm thú y sẽ an toàn hơn.
3. Chó mèo bị bệnh phải điều trị chích thuốc lâu dài, kinh tế của bạn có hạn, bạn có thể mua thuốc về tự chích cho chó mèo sẽ tiết kiệm được chi phí rất nhiều.
4. Nơi bạn ở quá cách xa trạm xá thú y. Bạn có thể chở chó mèo lên khám một vài lần trong tuần và nhờ bác sỹ tư vấn cho thuốc về điều trị tại nhà.
5. v.v..



Các bước tự tiêm chích cho chó mèo tại nhà


1. Lựa chọn kim tiêm phù hợp

Với chó mèo dưới 2kg, thông thường sẽ sử dụng kim tiêm 1cc, vì lượng thuốc chích cũng sẽ không quá 1cc, mũi kim này nhỏ, chích chó mèo sẽ ít đau.

Với chó mèo từ 2kg-4kg, bạn có thể lựa chọn kim tiêm 1cc, hoặc 3cc tùy theo lượng thuốc chích. Nếu liều lượng thuốc chích dưới 1cc, thì nên chọn kim tiêm 1cc và ngược lại.

Với chó mèo trên 4kg, bạn dùng kim tiêm 3cc hoặc 5cc, tùy theo liều lượng thuốc chích.

Lưu ý: 1cc = 1ml.

Kim tiêm bạn có thể mua ở các tiệm thuốc tây. Ra bảo người ta bán cho cây kim 1cc, 3cc, hay 5cc gì đó, thì người ta sẽ lấy cho bạn.

Lựa chọn kim tiêm phù hợp


2. Cách cầm kim tiêm khi chích cho chó mèo

Mũi hở đầu kim phải hướng lên trên. Không úp mũi hở đầu kim xuống khi chích, vì như vậy thuốc bơm từ ống chích sẽ nghẹt không bơm vào được. Lúc này, ống chích bơm rất cứng, cố bơm sẽ làm chó mèo đau giãy gãy kim hoặc xịt thuốc ra ngoài.

Cách cầm kim tiêm khi chích cho chó mèo

Lưu ý: Khi rút thuốc vào ống tiêm, phải đẩy thuốc lên hết, không chừa khoảng trống không khí nào, đồng thời dùng tay bún bún nhẹ ống tiêm để đảm bảo ống tiêm không còn bọt khí.


3. Cách giữ chó mèo khi chích thuốc

Khi chích thuốc cho chó mèo, ít nhất phải có 2 người, một người ôm chó mèo, một người chích. Vì sẽ rất khó để một người vừa ôm chó mèo vừa chích luôn được. Trừ khi bé đó bệnh quá yếu hoặc quá ngoan không biết đau. Mèo sẽ khó giữ hơn chó, vì mèo rất nhạy cảm và phản ứng mạnh. Bạn có thể tham khảo một số cách giữ sau. Không nhất thiết phải đúng như vậy, bạn cứ giữ sao miễn chích thuốc an toàn cho mấy bé là được, và không gây ám ảnh làm mấy bé bị sỡ hãi cho những lần sau.

Cách 1: Bạn sẽ dùng một tay túm nhẹ ở gáy chó mèo, tay còn lại vòng qua ôm giữ chó mèo lại đồng thời gãi gãi, hay nói chuyện với bé để bé phân tâm. Lưu ý là không giữ bé quá mạnh, bé sẽ vùng vẫy phản ứng.

Cách 2: Dùng hai tay đặt vào nách hai chân trước của chó mèo rồi bế hỏng lên, hai chân sau không còn chạm đất.

Cách 3: Dùng hai tay đặt vào nách hai chân trước của chó mèo rồi ôm nhẹ bé vào lòng hay đặt lên đùi bạn, hai chân sau của bé còn chạm đất, nghĩa là bé đang đứng bằng hai chân sau.

Lưu ý: Đối với chó mèo quá nhút nhát hay hung dữ, bạn nên cột mõm, hoặc rọ mõm mấy bé lại để bảo đảm an toàn cho người chích.


4. Các đường tiêm và ký hiệu đường tiêm

Có 5 đường tiêm trên chó mèo. Tùy theo thuốc chích mà nhà sản xuất sẽ quy định thuốc đó sẽ được chích theo đường tiêm nào. Nên điều đầu tiên khi chích thuốc, bạn cần phải đọc kỹ hướng dẫn hoặc đọc hiểu ký hiệu đường tiêm quy định trên chai/lọ/ống thuốc.

Đường tiêm 1: Tiêm dưới da. Ký hiệu: SC.

Đây là đường tiêm dễ tiêm nhất và tiêm thường nhất trên chó mèo. Đa số các chủ nuôi tự chích chó mèo tại nhà sẽ tiêm theo cách này, cách tiêm cũng đơn giản, nên bạn không phải lo lắng quá nhiều.

Cách tiêm: Bạn kéo lớp da ở bên hông hoặc ở hai bên sống lưng của chó mèo nhô lên một xíu, đâm kim vào khoảng giữa hai lớp da một góc 45°.

tiêm dưới da

tiêm dưới da
tiêm dưới da

Lưu ý:
- Sau khi tiêm xong, dùng tay xoa xoa nhẹ chỗ vừa tiêm để tan thuốc.
- Không cần phải đâm hết nguyên mũi kim vào da, chỉ cần qua lỗ hở đầu kim để thuốc bơm vào được dưới da chó mèo là được.
- Có rất nhiều trường hợp người chích đâm kim xuyên vào lớp da này và xuyên luôn lớp da đằng sau, khi bơm thuốc mới phát hiện thuốc xịt hết cả ra ngoài. Trường hợp này gặp rất nhiều, bạn nên đặc biệt chú ý.
- Vì trên da của chó mèo cũng có nhiều mạch máu nhỏ. Nên sẽ có lúc chích thuốc dưới da cho chó mèo bạn sẽ thấy có ít máu chảy ra. Đó là vì bạn đâm kim trúng ngay mạch máu của bé. Nếu gặp trường hợp này, bạn cũng không cần lo lắng quá, hãy dùng bông gòn chấm chấm vệ sinh chỗ vừa chích cho bé.


Đường tiêm 2: Tiêm bắp. Ký hiệu: IM.

Đường tiêm này sẽ khó hơn tiêm dưới da. Nếu nhát tay, sẽ khó để bạn thực hiện. Vì nếu xác định không chính xác có thể bạn sẽ đâm nhầm và gây nguy hiểm cho chó mèo.

Đường tiêm này cũng như tiêm bắp trên người. Như lúc nhỏ khi bạn bệnh hay được bố mẹ dẫn đi khám chích thuốc, bác sĩ thường tiêm vào mông và bắp tay, vì hai nơi đó nhiều thịt và ít đau. Còn với chó mèo thì bác sỹ hay tiêm ở hai bên sống lưng và bắp đùi chân sau của chó mèo. Tiêm bắp sẽ đau và buốt hơn tiêm dưới da.

Cách tiêm: Bạn chích vào bắp đùi (hai chân sau của chó mèo). Hoặc cơ lưng ở hai bên của chó (đâm thẳng kim tiêm xuống, vị trí này hơi khó hình dung, khó chích và chắc chắn bạn sẽ nhát tay nên mình không khuyến khích). Tránh chích vào gân, xương, nếu không sẽ làm tê liệt chân đó. Với chó mèo mập mạp thì chích bắp dễ hơn vì nhiều thịt, đâm kim không sợ đâm trúng gân hay xương, nhưng với chó mèo nhỏ con hay gầy thì sẽ khó khăn hơn.

tiêm bắp cho chó


Đường tiêm 3: Tiêm tĩnh mạch (ven). Ký hiệu: IV.

Đây là đường tiêm khó, nếu không có người hướng dẫn, sẽ khó để bạn tự tiêm tại nhà. Với lại, ngay cả bác sĩ có khi còn lấy ven miss nữa là, với những ven khó lấy.

Cách tiêm: Đầu tiên bạn phải xác định được tĩnh mạch của chó mèo (đây là bước quan trọng). Sau đó, bạn tiến hành tiêm vào tĩnh mạch. Thường bác sĩ hay lấy ven ở 4 chân của chó mèo. Do tiêm tĩnh mạch có phần khó khăn hơn, chó mèo sẽ bị đau, nên bạn phải thật cẩn thận đâm kim đúng và xuôi theo chiều tĩnh mạch. Nếu lệch, tĩnh mạch của chó mèo sẽ bị vỡ và sưng đỏ lên, lúc này bạn sẽ không lấy ven tiếp ở chỗ đó nữa mà phải đổi qua lấy ven ở chân khác.

tiêm tĩnh mạch

Tiêm tĩnh mạch hay lấy ven ở chó mèo cũng như lấy ven ở người vậy (như vô nước biển, lấy máu). Đến bạn còn sợ thì chó mèo cũng thế. Đối với các ca phải vô tĩnh mạch thì bệnh cũng không nhẹ rồi, khuyên bạn nên mang chó mèo ra thú y sẽ tốt hơn.


Đường tiêm 4: Tiêm phúc mô. Ký hiệu: IP.
Đường tiêm 5: Tiêm trong da. Ký hiệu: ID.

Đây là hai đường tiêm gần như không dùng điều trị bệnh trên chó mèo, nên mình sẽ không nói đến. Khi bạn mang chó mèo ra thú y, các bác sỹ cũng chỉ sẽ tiêm một trong 3 đường (không tính xoang bụng): Tiêm dưới da, tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch.


Tóm lại

Bài này chủ yếu mình muốn hướng dẫn các bạn tự tiêm dưới da và tiêm bắp cho chó mèo tại nhà. Không khuyến khích tiêm tĩnh mạch vì đường tiêm này khó, chắc chắn bạn sẽ không lấy ven thành công ở lần đầu tiên, điều đó có thể dẫn đến vỡ tĩnh mạch và làm đau chó mèo.

Tiêm dưới da được xem là đường tiêm dễ và gần như bạn sẽ làm được. Với những thuốc chỉ định tiêm bắp, bạn nhát tay hay không tự tin tiêm, bạn có thể tiêm thuốc ấy dưới da, với điều kiện, sau khi tiêm xong hãy xoa thuốc thật kỹ ngay chỗ vừa tiêm để đảm bảo thuốc không bị lắng đọng, nếu không dễ dẫn đến tình trạng bị áp xe thuốc trên chó mèo. Nếu bị áp xe bạn phải mang chó mèo đi mổ áp se.

Bản quyền bài viết thuộc về/ CTG blog
DMCA.com Protection Status



BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

2 comments:

  1. tiêm phòng dại thì cần bao nhiêu cc ạ

    ReplyDelete
    Replies
    1. 1cc/con nhé bạn. Bạn ra tiệm thú y mua thì lọ đã có liều lượng sẵn rồi, bạn rút hết thuốc trong lọ chích là được bạn nhé. Vacxin Rabisin.

      Delete