December 19, 2017

Nguyên do chó mèo bị táo bón - Cách điều trị

Điều trị chó mèo bị táo bón


Cũng như chúng ta, chó mèo cũng có khi bị táo bón. Khi bị táo bón, đầu tiên chó mèo sẽ rặn lâu, đi ra phân khó khăn. Tùy theo mức độ táo bón nặng nhẹ thế nào, sẽ khiến chó mèo đau đớn và mệt mỏi ra sao. Nếu chỉ bị vài ngày ở mức độ nhẹ thì không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe của chó mèo. Nhưng tình trạng táo bón kéo dài, chó mèo đau đớn và mệt mỏi thì bạn cần lưu ý can thiệp ngay.


Làm sao biết chó mèo bị táo bón?

Khi bạn thấy chó mèo có dấu hiệu đi ngoài khó khăn, rặn lâu. Cụ thể là cong lưng, cong đuôi để rặn mà không ra, phân ra cứng, nhỏ từng mảnh và rắn, kéo dài liên tục nhiều ngày.


Táo bón ảnh hưởng như thế nào với chó mèo?

Mệt mỏi và đau đớn khi đi ngoài là điều chắc chắn đầu tiên. Nếu kéo dài liên tục nhiều ngày và không được can thiệp, sẽ khiến chó mèo mệt mỏi, đau đớn và lừ đừ xuống sức. Do rặn liên tục, hai chân sau do dùng sức nhiều sẽ bị yếu và run rẩy, ảnh hưởng đến sức khỏe của chó mèo.

Hơn hết, táo bón kéo dài có thể là nguyên do ảnh hưởng từ bệnh lý nào đó mà bạn cần phát hiện sớm để điều trị.


Nguyên nhân nào dẫn đến táo bón ở chó mèo?


Nguyên do chó mèo bị táo bón - Cách điều trị

1. Do chó mèo uống ít nước

Có thể lượng nước cung cấp cho chó mèo mỗi ngày quá ít và không đủ. Cũng có thể do nước phèn, hay nước bị mùi sao đó mà chó mèo không thích, nên thành ra chó mèo không thích uống, dẫn đến uống ít nước.

2. Do chó mèo ăn thức ăn quá khô

Với khẩu phần ăn quá khô, thiếu chất xơ và vitamin cần thiết trong một thời gian dài cũng dẫn đến tình trạng táo bón ở chó mèo.

3. Do chó mèo bị căng thẳng, stress

Chó mèo bị stress cũng có thể là nguyên do dẫn đến táo bón ngắn hạn. Ví dụ như khi chó mèo bị thay đổi môi trường sống, do chưa quen nên dẫn đến chó mèo bị căng thẳng và stress.

4. Do chó mèo nhịn đi ngoài quá lâu

Ví dụ như bạn tập cho bé đi vệ sinh trong thau cát, hay ngoài sân. Bé đã quen, nhưng đến tối bạn cho bé vào trong nhà. Nếu đêm bé có muốn đi ngoài cũng sẽ ráng nhịn đến sáng, cho đến khi bạn mở cửa để bé ra ngoài giải quyết. Nếu tình trạng này kéo dài và chó mèo cứ có nỗi buồn vào giữa đêm mà ráng nhịn, lâu ngày sẽ dẫn đến táo bón, do phân bị dồn nén và đóng cục trong trực tràng quá lâu.

5. Do chó mèo liếm lông và nuốt lông

Trường hợp này cũng có thể xảy ra và dẫn đến táo bón.

6. Do chó mèo uống canxi hoặc tiêm canxi liên tục trong thời gian dài

Nếu chó mèo bị còi cọc và cần bổ sung canxi một thời gian dài. Thì bạn không nên bổ sung liên tục ngày qua ngày. Có thể liên tục năm ba ngày, nhưng sau đó phải ngừng 1, 2 ngày rồi mới bổ sung tiếp. Để an toàn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

7. Do chó mèo ăn phải vật cứng

Có thể do chó mèo ăn bậy phải dị vật như ăn đá, ăn xi măng, nuốt xương cứng. Sau đó các vật thể này bị tắc lại bên trong khiến chó mèo đi ngoài khó khăn và dẫn đến táo bón.

8. Do chó mèo bị sạn thận, sỏi bàng quang

Khi mắc phải căn bệnh này, chó mèo sẽ đi tiểu khó khăn. Do rặn nhiều, vô tình phân lại ra một ít. Nếu không để ý, bạn sẽ nhầm lẫn chó mèo đang bị táo bón, nhưng thực ra là chó mèo đang rặn tiểu chứ không phải bị táo bón.

Còn trường hợp khác, nếu sỏi quá to, vô tình khiến chó mèo nhầm lẫn và khó chịu, cứ muốn tống nó ra ngoài. Nên theo bản năng tự nhiên, chó mèo cứ rặn mãi và liên tục. Kéo dài lâu ngày, chó mèo sẽ rất mau xuống sức và hai chân sau run rẩy yếu đi thấy rõ.


Cách điều trị táo bón ở chó mèo


1. Bổ sung chất xơ cho chó mèo


Cách trị táo bón nhanh và cho kết quả nhanh nhất là bạn hãy cho chó mèo ăn khoai lang.

Nguyên do chó mèo bị táo bón - Cách điều trị

Tùy theo trọng lượng của mấy bé mà bạn cho ăn ít hay nhiều, chừng 1-3 củ là ok rồi.


2. Bạn can thiệp hỗ trợ chó mèo


Bạn hãy ra tiệm thuốc tây mua ống bơm trực tràng có tên là "Rectiofar."

Nguyên do chó mèo bị táo bón - Cách điều trị

- Nếu chó mèo bạn nhỏ con dưới 3kg, bạn mua ống 3ml của em bé.
- Nếu chó to con trên 3kg, bạn nên mua ống 5ml của người lớn.

Cách thực hiện: Bạn rút đầu ống bơm, nhét nhẹ vào hậu môn của chó mèo. Lưu ý nên thao tác nhẹ nhàng và không đút quá sâu. Sau đó bạn bóp ống bơm để nước đẩy vào hậu môn của chó mèo. Giữ chó mèo một lúc (chừng 2 phút) rồi thả ra, ngay lập tức hoặc ít phút sau đó, chó mèo sẽ đi ngoài ngay, bạn sẽ thấy phân ra mềm, lỏng và nhanh.

**Trên đây chỉ là cách chữa nhanh tạm thời, chưa thể nói là điều trị dứt điểm. Sau đó bạn cần phải quan sát chó mèo thêm nữa và cần lưu ý các điểm sau:

1. Đảm bảo chó mèo uống đủ nước và cung cấp nước sạch.
2. Tạo môi trường thoải mái cho chó mèo. Chó mèo phải cảm thấy vui vẻ và không có bất cứ nỗi lo hay nỗi sợ ở nơi mình sinh sống.
3. Không để chó mèo nhịn đi ngoài quá lâu và thường xuyên.
4. Đổi khẩu phần ăn cho chó mèo: Bạn nên xem lại khẩu phần ăn cho chó mèo có thực sự hợp lý hay chưa. Nếu thức ăn quá khô, thiếu chất xơ và ăn liên tục ngày qua ngày không những khiến chó mèo bị táo bón, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của mấy bé, dễ dẫn đến các bệnh lý khác như sạn thận, sạn bàng quang.
5. Nếu nghi chó mèo ăn lông thì mua thuốc tiêu lông cho chó mèo. Thuốc có bán ở các tiệm thú y.
6. Nếu hiện tượng táo bón vẫn kéo dài, chó mèo có dấu hiệu yếu ớt và thường xuyên mệt mỏi, thì bạn cần mang chó mèo ra thú y. Bác sĩ sẽ cho siêu âm nếu nghi bị sạn bàng quang hay sỏi thận. Cho chụp X-Quang nếu nghi vướng dị vật bên trong, v.v..

Táo bón ở chó mèo nếu chỉ vài ba ngày và không thường xuyên, thì không mấy nghiêm trọng và không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe của mấy bé. Nhưng nếu tình trạng kéo dài thì bạn cần can thiệp sớm, mang bé đến thú y khám để tìm ra nguyên do bệnh lý để điều trị kịp thời.

Bản quyền bài viết thuộc về/ CTG blog
DMCA.com Protection Status



BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

1 comment:

  1. Mèo nhà mk ik ngoài ít hơn biếng ăn phân ko cứng nhưng chỉ ỉa đc một ít và dặn nâu v phải là

    ReplyDelete