April 3, 2019

Truyền nước cho chó mèo đừng nên để thú y truyền qua đường xoang bụng

Truyền nước cho chó mèo đừng nên để thú y truyền qua đường xoang bụng


Bài viết được viết từ kinh nghiệm mất mát đáng buồn của mình. Đó là một cảm giác vừa buồn, day dứt, tự trách và đau lòng khi thú cưng của mình ra đi vì sự thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm và thiếu kinh nghiệm của bác sĩ thú y.

Trước khi nói về câu chuyện của mình, mình sẽ nói qua về vấn đề truyền nước (hay truyền dịch) trên chó mèo là như thế nào.


Truyền nước cho chó mèo trong trường hợp nào?


Truyền nước cho chó mèo đừng nên để thú y truyền qua đường xoang bụng
  • Chó mèo bị suy nhược cơ thể.
  • Chó mèo bị mất nước (tiêu chảy, nôn mửa, v.v..)
  • Giải độc cho chó mèo (chó mèo bị dính bã, ăn bậy thức ăn có độc).
  • Giúp chó mèo lợi tiêu, lợi tiểu.
  • Cung cấp dưỡng chất cho chó mèo khi chó mèo bệnh nặng bỏ ăn và không ăn uống được.


Truyền nước cho chó mèo qua đường nào?


Truyền nước cho chó mèo đừng nên để thú y truyền qua đường xoang bụng

Khi nói đến truyền nước, hẳn ai cũng biết gần như các bác sĩ sẽ chọn truyền nước qua đường tĩnh mạch. Vì đây là đường truyền hấp thụ nhanh và hiệu quả nhất. Khi thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch sẽ nhanh chóng chạy khắp cơ thể và hấp thụ tức thì.

Đúng vậy, khi cần truyền nước cho chó mèo, truyền qua đường tĩnh mạch gần như 99% là đường truyền cần và nên làm.

Nhưng trong thú y, có hai cách để truyền nước vào cơ thể động vật. Đó là truyền nước qua đường tĩnh mạch và truyền nước qua đường xoang bụng. Truyền nước hay thuốc qua đường xoang bụng rất thường được áp dụng trên heo. Nhưng trên chó mèo, gần như rất ít khi phải dùng đến đường truyền này, trừ các trường hợp quá bất khả kháng.


Truyền nước xoang bụng là gì?


Truyền nước cho chó mèo đừng nên để thú y truyền qua đường xoang bụng

Truyền nước xoang bụng là truyền nước qua đường xoang bụng bằng cách đâm kim vào một trong hai bên xoang bụng của chó mèo. Truyền nước qua đường xoang bụng nghe có vẻ dễ thực hiện hơn truyền qua đường tĩnh mạch nhưng thực tế lại không hề dễ dàng như thế.

Ở hai bên xoang bụng của chó mèo sẽ có một khoảng không hổng, khi nước được truyền vào sẽ tồn đọng ở hai bên xoang này và sẽ cần một khoảng thời gian để ngấm từ từ vào cơ thể của chó mèo.

Mối nguy hiểm khi truyền nước qua đường xoang bụng?


Với chó mèo lớn, thì việc truyên nước xoang bụng có thể dễ thực hiện và ít rủi ro hơn. Nhưng đối với chó mèo con thì cực kỳ nguy hiểm và rủi ro. Vì nếu không khéo, rất dễ gặp trường hợp kim không đâm vào xoang mà đâm trúng ruột hay nội tạng của chó mèo. Trong trường hợp này, chó mèo sẽ chết sau khoảng 30 đến 60 phút sau đó.

Dấu hiệu nhận biết là bụng chó mèo sẽ bị phình to, nước chảy rỉ ra lại chỗ đâm kim vào. Không chỉ với truyền nước qua xoang bụng, mà với vất cứ đường tiêm nào khi tiêm vào người chó mèo, mà sau khi rút kim ra, thuốc trào ngược lại ra ngoài thì chứng tỏ đã tiêm sai vị trí. Hoặc đã tiêm trúng xương, hoặc tiêm nhầm vô nội tạng (ruột, gan, v.v..). Với những trường hợp này, gần như chó mèo sẽ chết.


Sự khác nhau giữa truyền nước tĩnh mạch và truyền nước xoang bụng


Truyền nước cho chó mèo đừng nên để thú y truyền qua đường xoang bụng

Sự hấp thu thuốc:
  • Truyền nước tĩnh mạch thuốc sẽ hấp thu nhanh và tức thì. Đối với những ca cấp cứu, thì gần như cần phải truyền tĩnh mạch để thuốc được hấp thu nhanh nhất.
  • Truyền nước xoang bụng thuốc sẽ hấp thu rất chậm, vì sau đó cần phải có thời gian để thuốc ngấm dần vào cơ thể.
Thời gian:
  • Truyền nước tĩnh mạch sẽ cần thời gian lâu hơn, từ 30-120 phút tùy thể trạng chó mèo. Do truyền tĩnh mạch là truyền trực tiếp vào mạch máu nên nếu truyền nhanh, sẽ dễ gặp tình trạng sốc thuốc.
  • Truyền nước xoang bụng sẽ nhanh hơn truyền tĩnh mạch. Lượng nước được đưa vào xoang bụng nhanh chóng. Sau đó chó mèo có thể được bác sĩ thú y cho về và chỉ đợi thuốc ngấm dần trong xoang bụng chó mèo vào cơ thể thôi. Điều này có lợi cho chủ nuôi bận rộn không có nhiều thời gian ngồi đợi chó mèo truyền nước và cũng góp phần giúp phòng mạch giảm tải các chó mèo bệnh nằm lâu gây quá tải chỗ điều trị.
Mối nguy hiểm và rủi ro:
  • Truyền nước tĩnh mạch bạn có thể nhìn vào tốc độ nhỏ giọt của nước để yêu cầu bác sĩ thú y điều chỉnh nhanh chậm tùy tình trạng sức khỏe của chó mèo. Nếu kim tiêm bị lệch gây phù, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy, cũng như không may bé bị sốc thuốc vẫn có thể nhanh chóng can thiệp cứu chữa kịp thời.
  • Với truyền nước xoang bụng, một khi bác sĩ thú y đã đâm kim tiêm lệch vị trí thì rất khó để biết cho đến khi nhìn thấy triệu chứng. Đến lúc này khả năng can thiệp cứu chữa cho chó mèo gần như là không thể nữa rồi.


Làm gì khi thú y chọn truyền nước qua xoang bụng cho chó mèo?


Thực tế truyền nước xoang bụng vẫn được và mình biết có một vài phòng mạch rất hay dùng cách này. Tuy nhiên, truyền đúng và chuẩn thì bạn cần phải coi vào tay nghề và kinh nghiệm của đội ngũ thú y như thế nào. Nếu tin tưởng và trong trường hợp quá bất khả kháng thì mình không nói.

Còn nếu không yên tâm, bạn đừng nên để thú y truyền nước cấp cứu qua xoang bụng. Hoặc bạn đề nghị đổi bác sĩ khác để truyền qua tĩnh mạch, hoặc mang chó mèo qua phòng khám khác uy tín hơn.

Truyền nước qua đường xoang bụng có lợi hơn như thế mà rất ít bác sĩ dùng đến phương pháp này, thì cũng hiểu cách này gần như không được khuyến khích dùng đến, trừ trường hợp không còn cách nào khác. Thời gian trước, mình rất ít thấy truyền nước xoang bụng. Nhưng thời gian sau này thì đã được nhiều phòng mạch áp dụng hơn, vì nó mang nhiều tiện lợi cho cả chủ nuôi và phòng mạch.

♦♦
Và câu chuyện của mình, mình đã mất bé mèo con mun đen như thế nào?

Truyền nước cho chó mèo đừng nên để thú y truyền qua đường xoang bụng

Sáng đó mình mang bé đến phòng mạch thú y để truyền nước vì bé bị suy nhược mất nước do tối bị tiêu chảy và nôn ói. Bé nhân viên thú y ở đó sau khi tìm không thấy đường vô mạch ở hai chân trước, bé ấy chuyển xuống chân sau thấy mạch, đâm kim 2-3 mũi gì đấy không được.

Mình hơi xót, nhưng đợi xem bé ấy tìm lại mạch xử lý như nào. Vì mình cũng hiểu, vô mạch cho chó mèo con cũng chẳng dễ dàng. Nhưng ai ngờ, bé ấy lại nhanh chóng lạnh lùng đâm kim ngay vào xoang bụng và bé mèo la lên é một cái. Một cảm giác vừa sốc vừa bất an ngay từ lúc đó, nhưng bé ấy vẻ mặt rất bình thản nói với mình không sao cả, chuyện đã rồi, cũng thấy làm trên hai năm rồi nên cũng đành cầu trời không sao.

Một lúc sau (khoảng 5 phút), có vài bé nhân viên khác vào, một bé khác ra coi coi rồi nói mạch tiêm được và bé ấy tiêm phát được ngay, rồi rút kim truyền xoang bụng ra. Được một lúc sau, mình thấy nước bắt đầu chảy ngược ra từ xoang bụng thì biết số phận của bé mèo con rồi. Khoảng 30 phút sau bé mèo giãn đồng tử rồi lịm dần.

Mấy nhân viên thú y ở đây nói bé mèo yếu quá nên có thể chết bất cứ lúc nào. Nếu là người bình thường thì họ sẽ chấp nhận như vậy vì họ không biết gì về thú y cả. Nhưng ở đây, bé mèo con mình mất không vì bệnh không chữa được mà mất vì người chữa trị thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm. Đến một bác sĩ thú y có giỏi cũng còn phải đắn đo suy nghĩ tìm cách cứu chữa an toàn nhất với một bé mèo con quá bé như thế. Một bé mèo con quá bé như thế, tiêm xoang bụng để cấp cứu? Bé mất vì bị đâm thủng ruột, bụng trương phình và rỉ nước trào ngược ra ngoài.

Đó là một cảm giác rất buồn và day dứt tự trách mình. Qua chuyện này, mình muốn chia sẻ và không mong có ai khác gặp trường hợp như mình nữa. Dù thế nào đi nữa, cứ phòng tránh vẫn hơn là để xảy ra rồi sau đó hối tiếc thì đã không còn kịp.

Bản quyền bài viết thuộc về/ CTG blog
DMCA.com Protection Status



BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

0 blogger: