April 23, 2018

Hướng dẫn đỡ đẻ cho chó mèo đúng cách và an toàn tại nhà

Hướng dẫn đỡ đẻ cho chó mèo


Chó mèo mang thai đến thời kỳ sinh nở rất cần được chủ nuôi quan tâm và đặc biệt chú ý. Cũng như chúng ta, giai đoạn sinh nở với chó mèo mẹ cũng rất khó khăn, vất vả và nguy hiểm. Tuy phần lớn chó mèo thuận theo tự nhiên đều có thể tự mình đẻ được, nhưng bên cạnh đó cũng có những rủi ro và nguy hiểm đi kèm.

Đặc biệt, nếu thú cưng của bạn thuộc giống nhỏ con như chihuahua, phóc, bulldog, v.v.. hoặc chó mèo của bạn ốm yếu, còi cọc, có dị tật về đường sinh dục thì cũng sẽ rất khó khăn khi sinh đẻ. Do vậy, khi chó mèo đang sinh nở, các bé sẽ rất cần bạn bên cạnh, phần để các bé yên tâm hơn, phần để bạn phụ giúp nếu có những sự cố phát sinh trong quá trình sinh nở.


Đỡ đẻ cho chó mèo có quan trọng và cần thiết không?


Câu trả lời là có nhé.

Dù chó mèo cưng của bạn là giống nội hay giống ngoại, thì việc phụ đỡ đẻ cho mấy bé cũng luôn được khuyến khích. Khuyến khích bạn chỉ quan sát và hỗ trợ khi cần.

Hướng dẫn đỡ đẻ cho chó mèo đúng cách và an toàn tại nhà

Với chó mèo giống nội, đa phần các bé đều có thể tự đẻ an toàn, nhưng điều đó không có nghĩa là không có những rủi ro và nguy hiểm sau đó. Cụ thể ▼

1. Chó mèo con quá to

Điều này tất nhiên sẽ khiến chó mèo mẹ rất mệt mỏi và vất vả khi rặn đẻ. Việc rặn quá nhiều sẽ khiến chó mèo mẹ rất mau xuống sức và mệt lả. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, chó mèo mẹ rặn quá nhiều và đuối sức, mà lúc này lại không có sự can thiệp giúp đỡ của bạn, thì cả chó mèo mẹ lẫn con đều rất nguy hiểm.

2. Ngôi thai ngang, hoặc chó mèo mẹ có dị tật về đường sinh dục mà bạn không biết

Lúc này việc quan sát của bạn rất quan trọng, nếu cảm thấy chó mèo mẹ rặn quá nhiều nhưng không ra được con, thời gian rặn đẻ quá lâu (tầm 4-6 tiếng) mà không thấy bào thai ra. Thì bạn cần nhanh chóng mang bé ra thú y ngay để kịp thời can thiệp. Có thể do thai ngang, hoặc bị dị tật về đường sinh dục nên chó mèo mẹ không thể đẻ thường được. Nếu bạn không can thiệp kịp thời, có thể cả mẹ lẫn con đều khó qua khỏi.

3. Chó mèo mẹ có hàm răng không đều (hô trên hoặc hô dưới)

Lúc này, sau khi đẻ con ra, chó mèo mẹ sẽ rất khó để cắn xé bọc ối. Trong trường hợp này, cần thiết phải có bạn can thiệp, để phụ giúp chó mèo mẹ xé bọc ối lấy chó mèo con ra ngoài. Nếu bạn không can thiệp, rất nhiều khả năng chó mèo mẹ do gặp khó khăn khi cắn xé bọc ối đã vô tình cắn luôn vào chó mèo con và khiến điều đáng tiếc xảy ra.

4. Ngôi thai ngược

Nếu bạn thấy chân chó mèo con ra trước thì chắc chắn rằng thai đã bị đẻ ngược. Do đẻ ngược nên sẽ rất khó khăn. Lúc này, nếu là bác sĩ có chuyên môn sẽ đỡ được, hoặc phụ kéo chó mèo con ra luôn, hoặc sẽ đẩy ngược trở vào để xoay ngôi lại. Trong trường hợp này, nếu bạn thấy thai ra ngược, ra được một nửa phần của chân, chó mèo mẹ rặn thêm lâu rồi (tầm 10-20 phút) mà vẫn chưa ra thêm nữa. Thì bạn nên nhanh chóng mang bé ra thú y để kịp thời can thiệp.

5. Chó mèo mẹ có sức khỏe yếu

Trong trường hợp này chắc chắn phải có bạn phụ đỡ đẻ rồi. Nếu không, ca sinh nở này sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

6. Đẻ khó

Đã có dấu hiệu cào ổ, vỡ bọc nước. Nhưng 4-6 tiếng sau vẫn trong tình trạng đau đẻ nhưng không đẻ, không có cơn rặn, hoặc rặn rất nhiều nhưng không ra con. Trường hợp này bạn nên mang chó mèo mẹ ra thú y để tiến hành can thiệp kịp thời.

7. Lần sanh nở đầu tiên của chó mèo mẹ

Do là lần đầu, nên ít nhiều gì chó mèo mẹ cũng thiếu nhiều kinh nghiệm. Việc có bạn bên cạnh lúc này sẽ phần nào giúp chó mèo mẹ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn.

Lưu ý: Có một số chó mèo mẹ rất hung dữ trong quá trình sinh nở. Lúc này bạn nên quan sát ở tầm vừa phải, không nên lại quá gần, không khiến chó mèo mẹ gầm gừ hay đề phòng. Nếu không chó mèo mẹ sẽ rất dễ bị stress, sốc và gặp nguy hiểm khi sinh nở, có thể tử vong.


Làm sao để canh đúng ngày chó mèo mẹ đẻ?


Cách 1: Cách chính xác nhất là mang bé đi siêu âm. Bác sĩ siêu âm sẽ cho bạn biết kết quả bào thai đã được bao nhiêu ngày và dự đoán luôn khoảng bao ngày nữa chó mèo mẹ sẽ đẻ. Kết quả dự đoán ngày đẻ sẽ không chính xác 100%, sẽ xê dịch từ 1-3 ngày. Chủ yếu là để bạn biết ngày để canh và theo dõi dấu hiệu sắp sanh của chó mèo mẹ.

Cách 2: Xác định chính xác ngày giao phối cuối cùng. Từ đó sẽ tính ngày chó mèo mẹ sắp đẻ. Cụ thể:
  • Thời gian mang thai của chó: 57-63 ngày (có khi đến 70).
  • Thời gian mang thai của mèo: 64-67 ngày.


Nhận biết dấu hiệu chó mèo mẹ sắp đẻ như thế nào?


Dấu hiệu sắp đẻ trước sinh 3-4 ngày:
  • Có sữa trước khi sinh 3-4 ngày.
  • Có thể nhìn, sờ thấy thai nhu động phía ngoài bụng.
  • Ăn ít, tiểu nhiều, tiểu không kiểm soát.

Dấu hiệu sắp đẻ trước sinh 2-4 giờ:
  • Cào ổ.
  • Ỉa xón.
  • Đái gắt.
  • Kêu rít, kêu gào.
  • Thở gấp bồn chồn.
  • Sa bụng.
  • Bộ phận sinh dục chảy nước ối trong và hơi đục.
  • Bỏ ăn.


Cần chuẩn bị những dụng cụ gì trong thời gian đỡ đẻ cho chó mèo?


Không bắt buộc: Kim tiêm và thuốc hỗ trợ kích đẻ Oxytoxine.
- Dành cho những bạn đã biết chích thuốc cho chó mèo. Thuốc mua ở các chi cục thú y hoặc mua ở các cửa hàng thú y.


Thứ 1: Găng tay y tế.
- Để phụ kéo chó mèo con ra nếu có can thiệp.

Thứ 2: Vải sạch hay khăn sạch.
- Dùng để lau mặt, mũi, mình chó mèo con. Lau bụng chó mèo mẹ.

Thứ 3: Pen kẹp y tế.
- Dùng để kẹp phần trước cuốn rốn trước khi dùng kéo cắt rốn.

Thứ 4: Kéo đã khử trùng (hơ qua lửa, hay rửa bằng cồn).
- Dùng để cắt rốn chó mèo con.

Thứ 5: Thuốc đỏ (Povidine).
- Dùng để vệ sinh cuốn rốn sau khi cắt.

Thứ 6: Chỉ lanh thắt rốn.
- Nếu không biết, bạn có thể dùng chỉ y tế (chỉ mà làm sạch lấy đồ ăn ở răng lên của người á). Mua ở các tiệm thuốc tây nào cũng có nhé. Mình hay dùng chỉ này cột rốn cũng ok.

Thứ 7: Thùng giấy carton, hoặc ổ nệm nằm cho chó con.

Thứ 8: Đèn sưởi ấm.
- Không có cũng không sao, nhưng phải đảm bảo đủ ấm cho chó mèo con.

Chó mèo khi sanh nở rất cần một cái ổ ấm. Khuyên bạn nên đầu tư mua một cái đệm, ổ nằm cho chó mèo mẹ để tiện chăm con tốt nhất. Mình thấy trên Tiki cũng bán rất nhiều loại đệm và mẫu mã cũng đẹp. Đợt cũng mới mua cái đèn sưởi trên này thấy cũng ok.


Hướng dẫn đỡ đẻ cho chó mèo tại nhà
(Đỡ đẻ đúng cách và an toàn)

Bạn nên hạn chế can thiệp đỡ đẻ ngay từ đầu.

Mình chỉ khuyến khích bạn quan sát và hỗ trợ khi cần. Để dễ hình dung, ở hướng dẫn, mình sẽ hướng dẫn cụ thể hết từ đầu cho đến cuối ca đỡ đẻ. Còn trường hợp thực tế, bạn gặp khó khăn ở bước nào thì xem ở bước đó.

Hướng dẫn đỡ đẻ cho chó mèo đúng cách và an toàn tại nhà

1. Chích Oxytoxine

Chích Oxytoxine cho chó mèo mẹ nếu nghi ngờ đẻ khó. Oxytoxine là thuốc hỗ trợ co thắt kích thích chó mèo đẻ. Nhớ đọc kỹ liều tiêm theo số ký.

2. Vuốt bụng theo cơn rặn

Vuốt nhẹ từ trên bụng xuống theo cơn rặn của chó mèo mẹ. Nghĩa là khi chó mèo mẹ rặn, bạn cũng đồng thời vuốt nhẹ từ trên bụng xuống đến dưới.

3. Kéo bọc thai theo cơn rặn

Khi bạn thấy đầu chó con ló một nửa ra ngoài. Bạn dùng tay nhẹ nhàng kéo bọc thai ra, kéo theo cơn rặn của chó mèo mẹ. Nghĩa là, khi chó mèo mẹ rặn, bạn cũng đồng thời kéo nhẹ bào thai ra. Bạn nên hết sức nhẹ nhàng, tránh bóp hay ghì kéo quá mạnh.

Nếu là lần đầu, chắc chắn bạn sẽ có chút lo sợ. Nhưng hãy thật bình tĩnh và luôn ghi nhớ, hãy thật nhẹ nhàng và kéo đồng thời theo cơn rặn của chó mèo mẹ.

Lưu ý: Nếu thấy có nước ối màu xanh lá chảy ra nhiều mà thai chưa ra thì có khả năng lớn đã bị vỡ bọc ối. Trường hợp này, rất nguy hiểm đến tính mạng của cả chó mèo mẹ lẫn con. Bạn nên lưu ý để ý và khẩn cấp mang bé ra thú y can thiệp gấp.

4. Xé bọc ối

Sau khi đã kéo bào thai ra thành công. Bạn cần nhanh chóng xé bọc ối. Nếu xé tay khó khăn, bạn có thể dùng kéo bấm thủng một lỗ rồi xé bọc. Nhớ lưu ý cẩn thận coi chừng trúng chó mèo con nha.

5. Kẹp pen vào rốn

Sau khi xé bọc ối xong, bạn dùng pen kẹp dây rốn lại, pen kẹp cách rốn chó mèo con 1cm.

6. Cắt dây rốn

Tiếp đó, bạn dùng kéo cắt phần dây rốn phía bên ngoài pen kẹp đi. Lúc này pen kẹp vẫn còn kẹp ở dây rốn chó mèo con nha.

7. Sát trùng cuốn rốn

Bạn dùng thuốc đỏ (Povidine) nhỏ lên phần đầu dây rốn vừa cắt đó để đảm bảo sát trùng.

8. Cột rốn

Tiếp theo, bạn dùng chỉ buộc dây rốn cho chó mèo con lại. Nhớ cột chặt nha.

9. Tháo pen kẹp rốn

Sau khi cột dây rốn xong, bạn tháo pen kẹp ra được rồi.

10. Lau nhớt trên mặt, mũi, miệng

Tiếp theo, bạn nhanh chóng dùng khăn vải sạch lau sạch nhớt trên mặt, mũi, miệng, rồi đến thân của chó mèo con, để đẩy hết nhớt từ miệng, mũi chó mèo ra. Bạn nên cầm chắc chó mèo con trong lòng một bàn tay, tay còn lại vỗ vỗ nhẹ vào mặt ngoài tay kia để giúp chó mèo con tống hết nhớt ra khỏi mũi miệng. Nếu không, chó mèo con sẽ bị nghẹt đường thở và không hô hấp được.

Sau khi lau sạch nhớt cho chó mèo con, bạn nên đưa chó mèo con lại gần mẹ bé ngay, để mẹ bé liếm sạch nhớt từ mặt, mũi, miệng cho con mình.

11. Lôi nhau thai còn sót

Sau khi lau sạch nhớt cho chó mèo con xong. Nếu bạn thấy nhau thai đã được chó mèo mẹ tống ra hết thì là ok rồi. Nếu chưa, bạn cầm đầu bọc ối kéo nhẹ để lôi hết nhau thai ra.

Lưu ý nên kéo nhẹ nhàng, không được kéo mạnh. Nếu bạn làm không khéo, lỡ tay kéo rách, có thể làm chó mèo mẹ bị băng huyết, máu chảy ra không ngừng. Trường hợp này rất nguy hiểm và cần được đưa đi thú y gấp.

12. Cho chó mèo mẹ ăn nhau thai

Chó mèo mẹ ăn nhau thai là điều bình thường. Nên bạn cứ để chó mèo mẹ ăn nhé. Ăn chừng 1-2 cái là ok rồi, nhau thai giúp chó mèo mẹ có thêm sức và chất. Cũng không nên để chó mèo mẹ ăn toàn bộ nhau thai, có thể dẫn đến đầy hơi và khó tiêu.

13. Vệ sinh vùng bụng & vú

Dùng khăn sạch nhúng nước ấm, lau sạch vùng bụng và vú của chó mèo mẹ.

14. Cho chó mèo con bú sữa đầu

Cho chó mèo con bú sữa đầu ngay. Trong vòng 24 giờ, chó mèo con cần phải được bú sữa đầu của mẹ, để đảm bảo có đủ sức đề kháng từ mẹ. Nếu không, với cơ thể non nớt yếu ớt, sẽ rất khó khăn để chó mèo con vượt qua những ngày tháng tiếp theo.

15. Chuẩn bị ổ cho chó mèo con

Bạn cho baby mới chào đời vào thùng carton có lót ít khăn, hoặc nệm nằm riêng dành cho chó mèo.

16. Lặp lại các bước trên với những baby tiếp theo.

17. Thời gian đẻ giữa các baby

Thời gian đẻ giữa các baby cách nhau từ 15-30 phút. Nghĩa là cứ cách 15-30 phút, chó mèo mẹ sẽ đẻ thêm một baby nữa. Tùy theo giống bạn nuôi, mà sẽ đẻ ít hay đẻ nhiều.

18. Kiểm tra sót con

Sau khi chó mèo mẹ đã hoàn tất đẻ xong. Để kiểm tra còn sót con hay không, bạn dùng tay ấn hết xung quanh vùng bụng chó mèo mẹ để kiểm tra. Nếu tất cả đều mềm hết thì hết con. Nếu bụng còn chỗ cứng cứng bất thường, thì có thể vẫn còn sót con trong đó.

Nếu bạn đợi thêm chừng 30-60 phút nữa mà vẫn chưa thấy đẻ thêm, thì bạn nên đưa bé đi thú y để kiểm tra và can thiệp.

19. Cho chó mèo mẹ không gian yên tĩnh

Xong xuôi, bạn hãy để một không gian yên tĩnh cho chó mèo mẹ chăm con. Không lại gần quá nhiều, không cầm bế chó mèo con lên xem quá nhiều. Tránh để bé ở những nơi ồn ào, đông người qua lại.

20. Cho nước uống và ăn nhẹ

Cho chó mèo mẹ ăn nhẹ, uống nước. Sau khi sinh xong, chó mèo mẹ sẽ rất khát nước và đói. Nước thì bạn cho bé uống thoải mái, còn đồ ăn, thì bạn chỉ nên cho ăn nhẹ thôi.

21. Cung cấp chế độ ăn sau sinh

Cuối cùng, cung cấp chế độ ăn hợp lý và đủ chất cho chó mèo mẹ, để đảm bảo bé có đủ sức nuôi và đủ sữa cho đàn con mới chào đời của mình.


♦♦
Hơn hết, chứng kiến chó mèo cưng của mình sinh nở thành công, là một điều rất hạnh phúc :)

Bản quyền bài viết thuộc về/ CTG blog
DMCA.com Protection Status



BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

0 blogger: